Luận văn thạc sỹ Quản lý thu thuế nhập khẩu của cục hải quan tỉnh Điện Biên
Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc cho nhà nước do luật pháp qui định đối với các pháp nhân và thể nhân thuộc đối tượng chịu thuế nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Thuế là hình thức phân phối lại bộ phận nguồn tài chính của xã hội, không mang tính hoàn trả trực tiếp cho người nộp. Do đó, tại thời điểm nộp thuế, người nộp thuế không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào mà xem như đó là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước .Như vậy, thuế mang tính cưỡng chế và được thiết lập theo nguyên tắc luật định.
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ THU THUẾ NHẬP KHẨU TẠI CỤC HẢI QUAN
1.1. Lý luận chung về thu thuế nhập khẩu tại Cục Hải quan
1.1.1. Khái niệm thuế nhập khẩu, thu thuế nhập khẩu
- Khái niệm thuế nhập khẩu
+ Khái niệm về thuế
“Thuế là một khoản nộp bắt buộc mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước, phát sinh trên cơ sở các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, không mang tính chất đối giá và hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp thuế. Thuế không phải là một hiện tượng tự nhiên mà là một hiện tượng xã hội do chính con người định ra và nó gắn liền với phạm trù Nhà nước và pháp luật” (Nguồn: Giáo trình nghiệp vụ thuế - KSV. Đăng Thủy)
Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc cho nhà nước do luật pháp qui định đối với các pháp nhân và thể nhân thuộc đối tượng chịu thuế nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Thuế là hình thức phân phối lại bộ phận nguồn tài chính của xã hội, không mang tính hoàn trả trực tiếp cho người nộp. Do đó, tại thời điểm nộp thuế, người nộp thuế không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào mà xem như đó là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước .Như vậy, thuế mang tính cưỡng chế và được thiết lập theo nguyên tắc luật định.
Bằng quyền lực chính trị của mình, nhà nước đã ban hành các loại thuế để tạo lập nguồn thu cho Ngân sách nhà nước, các khoản thu này được bố trí sử dụng theo dự toán ngân sách nhà nước đã được phê duyệt cho tiêu dùng công cộng và đầu tư phát triển nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Như vậy, thuế phản ảnh các quá trình phân phối lại thu nhập trong xã hội, thể hiện các mối quan hệ tài chính giữa nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội.
+ Khái niệm về thuế nhập khẩu
Có nhiều khái niệm về thuế nhập khẩu, tùy theo các phương diện khác nhau sẽ có các cách hiểu như sau:
Theo từ điển Kinh tế học (Anh - Việt):“Thuế nhập khẩu là khoản thuế mà Chính phủ đánh vào sản phẩm nhập khẩu. Thuế nhập khẩu được sử dụng để tăng nguồn thu cho Chính phủ và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài”.
Giáo trình Lý thuyết Thuế của Học viện Tài chính: “Thuế XK, thuế NK là sắc thuế đánh vào hàng hóa XK, NK theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Thuế nhập khẩu (thuế thu từ hàng hóa nhập khẩu) là loại thuế gián thu động viên từ người tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu nhằm góp phần bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và bảo hộ sản xuất trong nước.
Thuế nhập khẩu với mục tiêu kinh tế là bảo hộ sản xuất trong nước và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc thu vào hàng hóa được phép nhập khẩu từ nước ngoài hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước; là thuế đánh vào hàng hóa khi nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới quốc gia; hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước. Thuế nhập khẩu là thuế gián thu - một trong những yếu tố cấu thành trong giá cả hàng hóa. Thuế nhập khẩu do các tổ chức, cá nhân có hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp theo quy định của pháp luật với mức độ và thời hạn cụ thể. Sử dụng tốt chính sách thuế nhập khẩu là phát huy đầy đủ chức năng, vai trò của thuế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Theo phương diện pháp lý, thuế nhập khẩu là quan hệ pháp luật phát sinh giữa nhà nước, tức người thu thuế với tổ chức hoặc cá nhân, tức người nộp thuế về việc tạo lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các bên trong quá trình hành thu thuế nhập khẩu.
Theo phương diện kinh tế, thuế nhập khẩu là khoản đóng góp bằng tiền của tổ chức và cá nhân vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, khi họ có hành vi nhập khẩu hàng hóa qua biên giới một nước.
Thu thuế nhập khẩu là cách Nhà nước sử dụng nhằm giải quyết hài hoà lợi ích của người nộp thuế và Nhà nước; là cách thức định trách nhiệm, quyền hạn cũng như nghĩa vụ của người nộp thuế và cơ quan quản lý thu thuế nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Thu thuế nhập khẩu là các biện pháp mà Nhà nước tác động nhằm mục đích huy động nguồn lực tài chính và điều tiết kinh tế trong hoạt động thương mại quốc tế.
1.1.2. Đặc điểm của thuế nhập khẩu
Những đặc điểm cơ bản của thuế nhập khẩu:
Thuế nhập khẩu thuộc loại thuế gián thu, đánh vào hàng hóa nhập khẩu
Thuế gián thu là loại thuế mà người nộp thuế không phải là người chịu thuế, đó là hình thức thuế gián tiếp qua một đơn vị trung gian (thường là các doanh nghiệp) để đánh vào người tiêu dùng.
Nhà nước sử dụng thuế nhập khẩu để điều chỉnh hoạt động ngoại thương thông qua việc tác động vào cơ cấu giá cả của hàng hóa nhập khẩu. Vậy nên, thuế nhập khẩu là một yếu tố cấu thành nên giá cả của hàng hóa nhập khẩu.
Khi tăng hay giảm thuế suất thuế nhập khẩu sẽ tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu và lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng, đòi hỏi các nhà nhập khẩu hàng hóa phải điều chỉnh sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thuế nhập khẩu gắn liền với hoạt động ngoại thương
Hoạt động ngoại thương được xem là cầu nối liên kết hoạt động kinh tế của các quốc gia, giúp cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả. Hoạt động ngoại thương giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tuy nhiên hoạt động này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Thuế nhập khẩu là một công cụ quan trọng giúp nhà nước kiểm soát hoạt động ngoại thương thông qua việc kê khai, kiểm tra, tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc đánh thuế nhập khẩu được căn cứ vào giá trị, chủng loại hàng hóa nhập khẩu là giá trị cuối cùng của hàng hóa tại cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên. Tuy nhiên, việc tính giá trị thuế nhập khẩu phản ánh trung thực, khách quan giá trị giao dịch thực tế của hàng hóa nhập khẩu.
Thuế nhập khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố quốc tế
Thuế nhập khẩu chịu sự tác động của nền kinh tế thế giới và các xu hướng thương mại quốc tế. Thuế nhập khẩu điều chỉnh vào các hoạt động nhập khẩu hàng hóa của một quốc gia, sự biến động của nền kinh tế hay các yếu tố quốc tế trong mỗi giai đoạn khác nhau sẽ tác động trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu của quốc gia.
Từ đó, các yếu tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các chính sách về thuế nhập khẩu của từng quốc gia. Để đạt được mục tiêu, đòi hỏi các chính sách thuế nhập khẩu phải có tính linh hoạt, có sự thay đổi phù hợp để đảm bảo chính sách thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết của quốc gia với các cá nhân, tổ chức.
1.1.3. Quy trình thu thuế nhập khẩu
1.1.3.1 Xác định đối tượng chịu thuế, không chịu thuế và nộp thuế
- Xác định đối tượng chịu thuế
Theo quy định tại các văn bản hiện hành hướng dẫn về thuế NK, nội dung cơ bản của thuế NK bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; Hàng hóa từ thị trường trong nước vào doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác; hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác vào thị trường trong nước; Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ; Hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
- Xác định đối tượng không chịu thuế
Hàng hóa trong các trường hợp sau đây là đối tượng không chịu thuế NK: Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại; Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác.
- Xác định đối tượng nộp thuế
Đối tượng nộp thuế bao gồm: Chủ hàng hóa nhập khẩu; Tổ chức nhận ủy thác nhập khẩu; Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm: Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế nhập khẩu; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế; Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế; Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp; Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.
Người có hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
1.1.3.2 Xác định căn cứ và phương pháp tính thuế
- Căn cứ tính thuế
* Trường hợp hàng hóa áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ %:
Căn cứ tính thuế NK là số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế NK ghi trong tờ khai hải quan, giá tính thuế, thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%). Trong đó:
- Số lượng hàng NK làm căn cứ tính thuế là số lượng mặt hàng thực tế NK. Số lượng này được xác định dựa vào tờ khai hải quan của các tổ chức, cá nhân có hàng hóa NK.
- Giá tính thuế: Đối với hàng hóa NK, Giá tính thuế là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 06 phương pháp xác định trị giá tính thuế và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá tính thuế.
06 phương pháp xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu bao gồm: Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa NK; Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa NK giống hệt; Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa NK tương tự; Phương pháp trị giá khấu trừ; Phương pháp trị giá tính toán và Phương pháp suy luận.
- Thuế suất: Thuế suất thuế NK được quy định đối với từng loại hàng hóa và được xác định dựa trên biểu thuế NK.
Thuế suất thuế NK hiện nay có 3 loại: Thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt.
+ Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa NK có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thực hiện đối xử tối huệ quốc và không thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu đối với Việt Nam. Thuế suất thông thường được áp dụng thống nhất bằng 150% mức thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại biểu thuế NK ưu đãi.
+ Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng Điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.